Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Từ những ngày đầu cách mạng mới thành công, vận mệnh Nước ở thế ngàn cân treo sợi tóc, cả khi đất nước ngày đêm đánh giặc để giành cho kỳ được Độc lập Tự do, Người luôn luôn dõi theo, nắm vững tình hình giáo dục, động viên nhắc nhở kịp thời.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Từ những ngày đầu cách mạng mới thành công, vận mệnh Nước ở thế ngàn cân treo sợi tóc, cả khi đất nước ngày đêm đánh giặc để giành cho kỳ được Độc lập Tự do, Người luôn luôn dõi theo, nắm vững tình hình giáo dục, động viên nhắc nhở kịp thời.
Ngày 15.10.1968, trong hoàn cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam – Bắc, Bác vẫn không quên ngày Khai trường trên miền Bắc, Bác đã viết “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”(*).
Bác Hồ với các cháu học sinh trường Trưng Vương (Hà Nội), vào năm 1956. Ảnh: Tư liệu |
Coi giáo dục cũng là một mặt trận quan trọng phải chiến thắng kẻ thù, Bác nhận định: Đế quốc Mỹ “không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự… mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Nhiệm vụ phía trước rất lớn, ngày một nặng nề, nên Bác nhắc những điều cụ thể:
– “Thầy và trò phải luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu Chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng… cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam Anh hùng”.
– “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” – để không xa đạt đến đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
– Cần “tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, đảm bảo sức khỏe và an toàn”.
Người nhấn mạnh: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, “phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt” và “nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Trong khuôn khổ bức thư, không thể viết dài, song như có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện tư tưởng lớn của vị Lãnh tụ thiên tài mà rất gần gũi với nhân dân. Đó là lòng yêu nước sâu sắc; nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; đề cao truyền thống hiếu học, vượt mọi khó khăn để vươn lên đạt đỉnh cao của trí tuệ nhân loại; thấm đượm tư tưởng nhân văn vì con người mà ở đây là thế hệ trẻ…
Tình cảm trìu mến cùng những lời tâm huyết của Bác trong bức thư này đã đi vào lịch sử giáo dục nước nhà. Đây là thư cuối cùng của Người viết riêng cho ngành giáo dục trước lúc đi xa!
Thấm thoát 50 năm (1968 – 2018) đã trôi qua, kể từ ngày ngành giáo dục được nhận lá thư lịch sử ấy. Giờ đây, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất, giang sơn liền một dải. Công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nước nhà đạt được thành tựu to lớn, nhưng cũng còn không ít những hạn chế. Cơ hội đang ở phía trước. Phát triển nền giáo dục nước nhà là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục là công việc cần thiết, rất cấp bách hiện nay. Nhiệm vụ của ngành giáo dục rất cao cả là “đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân”.
Trong không khí cả nước đang nô nức chuẩn bị bước vào năm học mới (2018 – 2019), đọc lại bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành giáo dục từ nửa thế kỷ trước, vẫn cảm thấy tươi mới, thời sự và nguyên giá trị.
Tiến sỹ CHU HUY SƠN
(*) Hồ Chí Minh toàn tập 1965 -1969, tr. 726, 727, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989. Những đoạn trích nguyên văn trong bài đều lấy từ bức thư đề ngày 15.10.1968 của Bác Hồ.