Ngày 27/7/2018 Bộ Tài Chính đã tổ chức “Tập huấn Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Thành phố Vĩnh Yên – Tỉnh Vĩnh phúc,
Ngày 27/7/2018 Bộ Tài Chính đã tổ chức “Tập huấn Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Thành phố Vĩnh Yên – Tỉnh Vĩnh phúc,
Tham dự Hội nghị về phía các tỉnh gồm: 11 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ TP Thừa Thiên Huế trở ra, đại diện Sở Tài chính và đại diện Hội doanh nghiệp các tỉnh.
Về phía Bộ Tài chính có bà Hồ Thị Hằng – Phó vụ trưởng pháp chế; Ông Vũ Minh Tiến – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng; Ông Lê Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng định chế tài chính- Vụ Tài chính ngân hàng.
Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ thay thế Quyết định 58/2013/QĐ-TTg Quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức cho vay quy định tại Nghị định này, Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 08/3/2018. Nghị định gồm 08 chương, 65 Điều. Nghị định đã rà soát, cập nhật, sửa đổi lại các điều khoản để phù hợp với quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức cho vay và UBND cấp tỉnh; đồng thời bổ sung, sửa đổi, làm rõ một số quy định đã được ban hành trước đây, từ đó giúp cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thuận lợi hơn.
Bộ Tài chính đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc của các Quỹ khi đi vào thực tế hoạt động. Theo đó, các khó khăn, vướng mắc của các Quỹ hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề sau: Năng lực tài chính của Quỹ BLTD tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của Quỹ còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng vụ tài chính ngân hàng trình bày những điểm mới của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ có giá trị nâng tầm vị thế của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng như Nghị định này sẽ quy định chặt chẽ và có nhiều điểm mở về điều kiện DNNVV được Quỹ xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện hơn so với Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ Tướng Chính phủ, gồm: Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng; Doanh nghiệp có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ BLTD thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định của Nghị định này; Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% (quy định cũ tối thiểu 15%) tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ BLTD thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh; Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp; Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
Như vậy, quy định mới này đã bỏ yêu cầu đối tượng được bảo lãnh phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
Điểm mới của Nghị định 34 đã bước đầu giải quyết vấn đề khó khăn tài chính của các Quỹ. Cụ thể, với vai trò là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ này sẽ phải có vốn điều lệ thực tại thời điểm thành lập tối thiểu là 100 tỷ đồng, do ngân sách cấp tỉnh cấp; thay vì là 30 tỷ đồng như trước đây.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có 07 ý kiến tham gia thảo luận về các thuận lợi, khó khăn, hạn chế, các vấn đề nổi cộm trong việc thực hiện các quy định của Nghị định tại địa phương. Trong đó còn một số điểm cần được Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, cụ thể:
– Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng là không hợp lí khi hiện tại có 28 Quỹ BLTD đang hoạt động thì còn nhiều Quỹ chưa đủ số vốn như trên mà nguồn vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh rất khó khăn nhất là các tỉnh miền núi, trung du… Đề nghị Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo đối với các tỉnh vượt thu ngân sách hàng năm thì được trích lại để bổ sung vốn điều lệ cho đủ hoặc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ bổ sung cho các tỉnh còn khó khăn hiện đang thiếu vốn điều lệ để đủ theo yêu cầu tối thiểu của Nghị định.
– Về chế độ kế toán, biểu mẫu, cơ chế trích lập dự phòng, xử lí rủi ro còn nhiều điểm chưa đồng nhất, các Quỹ thực hiện theo cách hiểu văn bản khác nhau. Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề trên…
Đại diện Bộ Tài chính cũng đã có những giải thích cụ thể một số vướng mắc tuy nhiên một số vấn đề xin được tiếp thu và báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thấy được tầm quan trọng của Nghị định 34 đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong thời kỳ đổi mới hiện nay và được trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức, kĩ năng về hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại diện Bộ Tài Chính chủ trì cuộc thảo luận với các đại biểu tham dự
Tin, ảnh: Thu Huyền