Từ hôm nay (1/2), Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực thi hành, với 2 điểm mới trọng tâm và nổi bật là cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và tiêu chuẩn cấp biển hiệu cơ sở dịch vụ du lịch.
Từ hôm nay (1/2), Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực thi hành, với 2 điểm mới trọng tâm và nổi bật là cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và tiêu chuẩn cấp biển hiệu cơ sở dịch vụ du lịch.
Chính sách mới hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động du lịch nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước |
Với 5 Chương, 21 Điều, Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định về: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tiêu chuẩn và mẫu biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên quốc tế; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; nội dung khóa cập nhật kiến thức, giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và các mẫu, biểu mẫu trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, hai điểm mới trọng tâm và nổi bật của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL là cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và tiêu chuẩn cấp biển hiệu cơ sở dịch vụ du lịch.
Giao tự chủ, nâng trách nhiệm cho cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch
Theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cá nhân phải tham gia khóa đào tạo và đạt kỳ kiểm tra do các cơ sở đào tạo nghiệp vụ có thẩm quyền tổ chức mới được cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
Tuy nhiên, Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL đã điều chỉnh vấn đề này theo hướng quy định cụ thể nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch và hướng dẫn du lịch để định hướng cho cá nhân trong việc tự bồi dưỡng kiến thức; làm căn cứ để các cơ sở đào tạo tổ chức khóa bồi dưỡng, xây dựng ngân hàng đề thi.
Theo đó, Tổng cục Du lịch có trách nhiệm quy định cấu trúc và dung lượng đề thi nghiệp vụ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch…
Các cơ sở đào tạo đáp ứng những tiêu chí nhất định thì được chủ động tổ chức thi, cấp chứng chỉ mà không cần phải đăng ký với Tổng cục Du lịch như trước kia, nhưng phải bảo đảm trách nhiệm thông báo trước khi tổ chức mỗi kỳ thi. Cá nhân được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khi đạt kết quả trong kỳ thi do các cơ sở đào tạo trên tổ chức.
Đây là sự thay đổi lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong việc tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ và người có nhu cầu được cấp chứng chỉ, đồng thời bảo đảm chất lượng đầu ra của người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ.
Kinh doanh dịch vụ du lịch: Thêm cơ hội quảng bá danh hiệu
Theo Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiêu chuẩn cấp biển hiệu mới chỉ được quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch và chỉ áp dụng trong khu du lịch, điểm du lịch.
Căn cứ Luật Du lịch 2017, Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL đã quy định cụ thể tiêu chuẩn công nhận đối với từng loại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác, bao gồm dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Việc công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện và không bị giới hạn trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.
Tổ chức, cá nhân hoàn toàn có quyền kinh doanh các dịch vụ này nếu đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật liên quan, tương ứng với từng dịch vụ.
Khách du lịch có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ của bất cứ cơ sở nào, tuy nhiên, khi lựa chọn cơ sở được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch thì khách sẽ được cung cấp dịch vụ với chất lượng và tiện ích cao hơn.
Việc công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch không phải là điều kiện mà là một danh hiệu để khuyến khích cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, là căn cứ để tổ chức, cá nhân khẳng định chất lượng dịch vụ và quảng bá thương hiệu của mình.
Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL đã được soạn thảo với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bám sát các nội dung Luật Du lịch giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức và công dân, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Thanh Thủy
Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch