Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 6.11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các đồng chí Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu II, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã có ý kiến thảo luận.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 6.11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Các đồng chí Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu II, Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã có ý kiến thảo luận.
‘Lòng dân là tài sản lớn nhất của Nhà nước’
Phát biểu trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 7.11, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò – Phó tư lệnh Quân khu 2, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hà Giang thẳng thắn nêu vấn đề: “Chúng ta nói về chống tham nhũng nhiều lắm rồi, nhưng phải nhìn lại chính mình, bản thân tôi cũng vậy thôi”. Phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, “nên treo bảng kê khai tài sản của cán bộ ở những nơi mà người dân có thể nhìn thấy”.
“Tài sản của cán bộ phải được khai báo đến 3 đời, treo ở những nơi dân nhìn thấy thì dân mới giám sát được, nhất là dịp chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Nếu bản kê khai tài sản mà cứ giấu diếm là sợ người khác biết, là không minh bạch ”, ông Sùng Thìn Cò dứt khoát.
Phó tư lệnh Quân khu 2 đề nghị, trường hợp cần thiết, các cơ quan tiến hành phát phiếu thăm dò trong cán bộ công chức, trong nhân dân về việc “ông nào tham nhũng nhiều nhất” và qua đó nếu phát hiện ra người tham nhũng thì phải cho nghỉ việc, “như vậy mới triệt để”.
Trên diễn đàn Quốc hội, tướng Sùng Thìn Cò kể câu chuyện đời xưa ở Trung Quốc, có một ông vua đã sai lầm khi đưa trung thần ra pháp trường để chém đầu. Trước khi chết, vị trung thần hỏi vua “đức vua có biết tài sản lớn nhất của mình là gì không?”. Vua không trả lời được. Ông tiếp lời: “Tài sản lớn nhất của vua là lòng dân, vua cứ chém tôi rồi vua cũng đi theo vì tham quan lũng loạn, mất lòng dân”.
Theo tướng Sùng Thìn Cò, tài sản lớn nhất là của Nhà nước lòng dân, nếu không trị được tham nhũng – giặc nội xâm thì sẽ khiến dân mất niềm tin. “Lúc đó chúng ta không trách ai cả, mà trách chính mình”, ông nói.
Theo VNEXPRESS
Ngày 6.11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà, đã có ý kiến tham gia thảo luận về công tác phòng chống tội phạm.
Tham gia ý kiến về công tác phòng chống tội phạm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đồng tình cao về các nhận định và các giải pháp tổng thể đã đưa ra trong báo cáo của Chính phủ. Từ thực tiễn, đại biểu Vương Ngọc Hà đề xuất một số giải pháp trong công tác phòng ngừa tệ nạn xã hội. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiệu quả, gắn với đặc điểm tình hình từng địa phương, từng thời điểm, phát huy vai trò chủ động của các cơ quan tổ chức chính trị xã hội và cơ chế phối hợp giữa các chủ thể. Như tình trạng rừng bị tàn phá trong thời gian qua, các vụ án đã được khởi tố điều tra, nhưng vấn đề không chỉ làm rõ người phạm tội và hành vi vi phạm của 1 vụ án, mà phải được phân tích trong tổng thể, đưa ra những bài học kinh nghiệm, xác định được những nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao tham gia phá rừng, và định hướng nhiệm vụ cho từng chủ thể tuyên truyền vận động. Nhưng chắc chắn để phòng ngừa hiệu quả phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất gắn với giao rừng khi đủ điều kiện, giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng đặc dụng và phòng hộ cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại đó, và các chính sách đã đưa ra được thực hiện đầy đủ và hiệu quả để người dân sinh sống được từ rừng, để rừng sống khỏe trong vòng tay bảo vệ của người dân.
Theo Đại biểu Vương Ngọc Hà thành trì vững chắc nhất để bảo vệ mỗi người khỏi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đó chính là có Định hướng giá trị đúng đắn. Gia đình – nhà trường là cái nôi để nuôi dưỡng định hướng ấy. Hành động hàng ngày của bố mẹ, thầy cô sẽ là những bài học lớn nhất, khắc sâu nhất với mỗi người trong quá trình trưởng thành. Nên việc giữ nếp nhà với truyền thống đạo đức và xây dựng nhà trường thực sự là nơi vừa trau dồi tri thức, nhưng cũng là nơi rèn đạo đức, cách sống nhân văn, lòng tự trọng. Đó sẽ là giải pháp căn cơ nhất trong mọi giải pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Duy Quang – baohagiang.vn