Ngày 30/3/2017, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm của một số Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phía Bắc về các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các vấn đề khác cùng quan tâm hiện nay. Đến dự hội nghị có 10 Quỹ thuộc các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình.
Ngày 30/3/2017, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm của một số Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phía Bắc về các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và các vấn đề khác cùng quan tâm hiện nay. Đến dự hội nghị có 10 Quỹ thuộc các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình.
Tại Hội nghị, Các Quỹ đã cùng nhau trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động cho vay, đầu tư, Bảo lãnh, nhận ủy thác và huy động vốn. Thảo luận các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương; thảo luận những tác động của dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP đồng thời cùng nhau chia sẻ phương hướng triển khai trong thời gian tới.
Hiện nay, đã có 45 Quỹ Đầu tư phát triển ở các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy sự lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động của các Quỹ có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đại diện ban lãnh đạo của 11 Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khu vực phía Bắc
Hội nghị diễn ra sôi nổi với phần thảo luận của các Qũy, đại diện ban lãnh đạo từng Quỹ ĐTPT địa phương đã nêu ra những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và những thành tích đã đạt được của Quỹ mình trước hội nghị để cùng nhau học tập và rút kinh nghiệm. Đặc biệt hoạt động đầu tư trực tiếp đã được Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Lào Cai triển khai và thực hiện có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao cho Quỹ những năm vừa qua và là một điểm sáng để các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khu vực phía Bắc học hỏi kinh nghiệm. Hoạt động đầu tư trực tiếp dưới nhiều hình thức như: đầu tư trọn gói bằng nguồn vốn tự có của Quỹ; hợp vốn với các tổ chức kinh tế để cùng thực hiện dự án; góp vốn thành lập các doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án hạ tầng từ đó kêu gọi huy động vốn từ các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề còn vướng mắc như vốn hoạt động hay việc hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn và các biểu mẫu cơ bản để hệ thống các Quỹ ĐTPT địa phương dùng chung thống nhất, bên cạnh đó vấn đề đặc biệt quan tâm là hoạt động bảo lãnh. Tại điều 12 Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thì Quỹ Bảo lãnh tín dụng được giao cho Quỹ tài chính địa phương quản lý vốn và thực hiện nhiệm vụ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên Các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đang tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP và hiện nay đang dự thảo Nghị định thay thế không quy định Quỹ Đầu tư phát triển được nhận nhiệm vụ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng do đó hiện nay hoạt động quản lý Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại nhiều Quỹ ĐTPT địa phương trên toàn quốc chưa rõ ràng. Quỹ Hà Giang cũng mạnh dạn đưa ra kiến nghị trước hội nghị: Quỹ Hà Giang kiến nghị Nghị định nên quy định cho phép Quỹ ĐTPT nhận nhiệm vụ quản lý vốn và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và một số Quỹ tài chính khác có cùng cơ chế hoạt động. Và trong trường hợp giao nhiệm vụ quản lý các quỹ tài chính khác thì phải tách bạch các nguồn vốn. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước đang kêu gọi xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tinh gọn bộ máy quản lý. Thiết nghĩ cũng nên để hoạt động của các Quỹ tài chính địa phương hoạt động đa dạng chức năng nhiệm vụ để giảm đầu mối quản lý, tập trung nguồn lực cũng là tạo điều kiện để các địa phương còn nhiều khó khăn có thể thoát dần sự trợ cấp của Ngân sách, có điều kiện tự huy động các nguồn lực tại địa phương để đầu tư phát triển.
Kết thúc hội nghị, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã tổng hợp tất cả các ý kiến tại hội nghị và nhận trách nhiệm sẽ là cầu nối gắn kết các Quỹ ĐTPT địa phương khu vực phía Bắc lại với nhau, tạo nên một sức mạnh thống nhất và bền chặt, đóng góp tiếng nói chung cho hệ thống các Quỹ, tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Thùy Linh- Quỹ ĐTPT Hà Giang