Đề nghị xây dựng sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính

Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

 

Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

 

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, cần nghiên cứu kéo dài thời gian tiến hành một số công việc mà hiện nay Luật quy định thời gian thực hiện quá ngắn, ví dụ: Thời hạn định giá tang vật vi phạm hành chính tại Điều 60, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 66…

Nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến căn cứ, trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật. Bởi vì, hiện nay, khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể nên trên thực tế, người có thẩm quyền xử phạt rất lúng túng, không biết trường hợp nào thì sửa đổi, bổ sung, trường hợp nào phải hủy bỏ, trường hợp nào thì phải hủy bỏ và ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt đã được thi hành, tiền xử phạt đã được nộp vào ngân sách nhà nước thì xử lý như thế nào; nếu quyết định bị hủy bỏ dẫn đến hậu quả gây thiệt hại thì phải xử lý ra sao…

Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình tại Luật xử lý vi phạm hành chính do hiện nay, qua kiểm tra trực tiếp các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp thấy rằng, việc này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Một phần nguyên nhân là do pháp luật còn thiếu các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Tư pháp cũng cho biết, thời gian vừa qua, việc triển khai quy định tại Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt (thường gọi là “phạt nguội”) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc xử phạt; phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính cũng chưa được quy định rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau (chỉ “cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính” hay cả các cá nhân, tổ chức khác)…

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thông qua việc tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong những năm qua.

Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên. Bảo đảm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong thực tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và góp ý tại đây.

Tuệ Văn – baochinhphu.vn